Vỡ Lòng Về “ Internet Of Things” (Kết Nối Vạn Vật)

Có lúc nào trên đường đời lập trình viên tấp nập, chúng ta có thể đã nghe cụm từ Internet of Things – Kết nối vạn vật (sau đây sẽ gọi tắt là IoT),khi lướt qua bất kỳ tin tức công nghệ nào trong vài năm qua. Thế nhưng, đồng thời  còn ai nữa không trong chúng ta cũng đang vò đầu bứt tai để hiểu từ IoT hào nhoáng ấy ám chỉ cái gì hay có nghĩa thực ra là gì???

Chắc hẳn các bạn trong công ty cũng đôi lúc băn khoăn, thậm chí đi onsite về có khi khá bất ngờ khi thấy HappyZone thông thường của 3S giờ thành một phòng lớn khép kín, với đầy đủ các thiết bị hàn, khò, kìm, cặp, keo dán, máy khoan, tô-vít, v.v… Lại thấy 5 – 6 thanh niên tự kỷ rời bàn phím là tay dùi, tay đục, kính lúp săm soi, sờ sẩm.Liệu có mối quan hệ gì giữa một công ty phần mềm lại “phiêu lưu” sẵn sàng “sống còn” cho một tương lai mới? Câu trả lời nhiều khi cũng không quá dài dòng. Tất cả đều chỉ vì một lý do đơn giản, để tồn tại, và có thể tồn tại tốt hơn trong tương lai (for a better life :D) Đây cũng là một bước đi đầu tiên trong chiến lược ”Chuyển đổi chính xác 2018 – 2020″ của công ty chúng ta gần đây (#transformation & #precision).

Lược sử:

IoT đã tồn tại như một khái niệm từ năm 1982 khi một máy Coca-Cola sửa đổi tại Đại học Carnegie Mellon trở thành thiết bị kết nối Internet thực sự đầu tiên, vì nó có thể báo cáo hàng tồn kho của nó và có thể cho người dùng biết nếu đồ uống bên trong lạnh.
Vào những năm 1990, một số bài báo đã thảo luận về IoT, và nhà tiên phong công nghệ Anh Kevin Ashton đã đặt ra thuật ngữ Internet of Things vào năm 1999. Nhưng cho đến vài năm trước, thuật ngữ này thực sự bùng phát và ý tưởng về một thế giới kết nối rộng lớn đã bắt đầu để trở thành hiện thực.
Với tầm nhìn này, IoT sẽ bùng nổ lên trong những năm tới. Người ta ước tính có hơn 22,5 tỷ thiết bị IoT trên Trái Đất vào năm 2021 (mỗi người sẽ có 4 thiết bị), tăng lên từ 6,6 tỷ thiết bị của 2016.
Tính đến năm 2020, các chính phủ và các công ty sẽ đổ 6 tỷ đô la vào các giải pháp IoT. Chúng sẽ bao gồm phát triển ứng dụng, phần cứng thiết bị, tích hợp hệ thống, lưu trữ dữ liệu, bảo mật và kết nối. Đây là những khoản chi khôn ngoan, vì các dự đoán đều cho rằng những khoản đầu tư này sẽ tạo ra 13 nghìn tỷ đô la vào năm 2025.

Nói một cách đơn giản, IoT đề cập đến việc kết nối của các thiết bị tới Internet (không chỉ những thiết bị đã quá phổ biến như máy tính và điện thoại thông minh). Giờ đây, ô tô, tủ lạnh, máy ép trái cây, kệ rượu, thiết bị theo dõi nhịp tim, lò nướng, đồng hồ và còn nhiều hơn nữa đều có tiềm năng để kết nối.

Để hiểu hơn về IoT hãy bắt đầu với các chú giải thuật ngữ và định nghĩa cơ bản dưới đây:

IoT: Một mạng các đối tượng kết nối Internet có thể thu thập và trao đổi dữ liệu bằng các cảm biến nhúng.

Thiết bị IoT(IoT devices): Bất kỳ thiết bị kết nối Internet độc lập nào có thể được giám sát và /hoặc điều khiển từ một vị trí từ xa.

Hệ sinh thái IoT (IoT ecosystems): Tất cả các thành phần cho phép các doanh nghiệp, chính phủ và người tiêu dùng kết nối tới thiết bị IoT của họ, bao gồm điều khiển từ xa, bảng điều khiển, mạng, cổng thông tin, phân tích, lưu trữ dữ liệu và bảo mật.

Thực thể (Entity): Bao gồm các doanh nghiệp, chính phủ và người tiêu dùng.

Lớp vật lý (Physical layer ): Phần cứng cấu thành nên thiết bị IoT, bao gồm cả cảm biến và thiết bị mạng.

Lớp mạng (Network layer): Chịu trách nhiệm truyền dữ liệu được thu thập bởi lớp vật lý đến các thiết bị khác nhau.

Lớp ứng dụng (Application layer): Bao gồm các giao thức và giao diện mà các thiết bị sử dụng để xác định và giao tiếp với nhau.

Điều khiển (Remotes): Cho phép các thực thể sử dụng các thiết bị IoT để kết nối và điều khiển chúng bằng một trình điều khiển, chẳng hạn như một ứng dụng di động. Chúng bao gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính cá nhân, đồng hồ thông minh, TV được kết nối và điều khiển từ xa phi truyền thống.

Bảng thông tin (Dashboard): Hiển thị thông tin về hệ sinh thái IoT cho người dùng và cho phép họ kiểm soát hệ sinh thái IoT của họ. Nó thường được đặt trên một trình điều khiển từ xa.

Lớp phân tích(Analytics): Hệ thống phần mềm phân tích dữ liệu được tạo bởi thiết bị IoT. Phân tích có thể được sử dụng cho nhiều tình huống khác nhau, chẳng hạn như bảo trì dự đoán.

Lưu trữ dữ liệu (Data storage): Dữ liệu từ thiết bị IoT được lưu trữ.

Mạng (Networks): Lớp giao tiếp Internet cho phép thực thể giao tiếp với thiết bị của họ và đôi khi cho phép các thiết bị giao tiếp với nhau.

5 cấp độ phổ cập IoT

Người ta chia các cấp độ sâu của IoT thành 5 mức riêng biệt, mà hiện trạng IoT vẫn đang còn khá xa với đích đến và vì thế vẫn còn nguyên tiềm năng để phát triển.

Cấp 1 – Kết nối: Cấp độ đầu tiên là đưa “Internet” vào “Things” bằng cách nhúng và cài đặt kết nối Internet vào các thiết bị khác nhau. Các đối tượng này khi đó đủ điều kiện trở thành thiết bị kết nối mà từ đó người dùng có thể bắt đầu thu thập dữ liệu về sử dụng sản phẩm. Các khảo sát gần đây chỉ ra rằng 48% nhân viên làm việc tại các công ty có hoặc đang triển khai các giải pháp IoT có biết chuyện công ty mình đang kết nối các thiết bị thông qua các giải pháp đó.

Cấp 2 – Quản lý: Cấp độ thứ hai liên quan đến việc giám sát thiết bị và dữ liệu mà chúng thu thập. Điều thú vị là 33% số người được hỏi gắn việc duy trì kết nối và quản lý làm một do sử dụng các giải pháp IoT để quản lý các thiết bị đó.

Cấp 3 – Phân tích: Cấp độ thứ ba liên quan đến việc phân tích dữ liệu có được trong cấp độ quản lý trước để có được những nội dung hữu ích và hữu dụng. Thật không may, chỉ có 47% số người được hỏi cho biết họ có thực hiện phân tích dữ liệu họ tạo ra. Một phần lý do là bản thân người sử dụng khó tạo ra thông tin hữu ích từ dữ liệu. Kết quả là, các nền tảng đang cố gắng để làm cho quá trình này dễ dàng hơn, nhưng hóa ra lại không đơn giản thế bởi vì sự đa dạng của các thiết bị IoT ngoài thị trường và thiếu một tiêu chuẩn phổ quát để phân tích.

Cấp 4 – Khả năng tương tác: Cấp độ thứ tư giúp nhiều thiết bị kết nối được với nhau và cho phép chúng “nói chuyện” với nhau. Lấy ví dụ về chiếc đèn thông minh và ổ khóa thông minh trong ngôi nhà chẳng hạn. Khi khóa thông minh được mở ra, nó sẽ “bảo” đèn thông minh sáng lên vì có ai đó đã trở về nhà. Ở giai đoạn này, thực trạng IoT bắt đầu cách xa dần với tiềm năng của chính nó, vì chỉ có 17% các công ty được hỏi đã triển khai các giải pháp IoT trong đó các thiết bị có thể “nói chuyện” với nhau. Tuy nhiên, hoạt động “theo nhóm” lại mới là yếu tố căn bản cho IoT tiếp tục phát triển.

Cấp 5 – Tự động hóa: Cấp độ thứ năm và cuối cùng là tự động hóa, trong đó các thiết bị kết nối làm việc cùng nhau mà không cần tương tác từ người dùng. Trong ví dụ về khóa thông minh và về đèn thông minh, chiếc đèn sẽ cảm thấy rằng chủ nhà đang ngủ nên tự động yêu cầu khóa đóng cửa và tắt các đèn chiếu khác. Mức độ tự động hóa cấp độ này bắt đầu đòi hỏi đến trí thông minh nhân tạo và học máy. Theo khảo sát đầu năm 2018, dưới 16% người được hỏi trả lời đã triển khai các giải pháp IoT đến được cấp độ này. Tuy nhiên, tất cả đều kỳ vọng các giải pháp ở cấp độ 4 và 5 trở nên phổ biến hơn khi IoT mở rộng trong những năm tới.

Với sự ra đời của VLAB vào ngày 20/07/2018, con đẻ của sự hợp tác giữa công ty phần mềm quốc tế 3S và đối tác phần cứng Hàn Quốc Duali, chúng tôi mong muốn cùng nhau tham gia vào thời đại IoT, tạo dựng những giá trị của sự sáng tạo và đổi mới trên nền tảng thông minh, hướng tới xây dựng một môi trường sống tốt đẹp hơn, đáng sống hơn.

(bài viết tham khảo và dịch từ IoT_101 BusinessIntelligence 04/2018)


React Native: Phát triển ứng dụng đa nền tảng trên windows với Expo (Phần 2)